Vinamilk - Doanh nghiệp thực hiện tốt mô hình kinh tế tuần hoàn, quản lý tốt phát thải khí nhà kính

Vinamilk - Doanh nghiệp thực hiện tốt mô hình kinh tế tuần hoàn, quản lý tốt phát thải khí nhà kính

Với chiến lược phát triển bền vững được thực hiện bài bản và có hiệu quả, đem lại những đóng góp cụ thể cho cộng đồng và môi trường, Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) đã vinh dự được bình chọn là Doanh nghiệp bền vững lần thứ 7 liên tiếp tại lễ công bố doanh nghiệp bền vững Việt Nam (CSI) 2022 vừa diễn ra. Đặc biệt, Vinamilk cũng nằm trong Top 5 doanh nghiệp được bình chọn là "Doanh nghiệp thực hiện tốt mô hình kinh tế tuần hoàn, ứng phó với biến đổi khí hậu”.

Kinh tế tuần hoàn, quản lý phát thải – bài toán cho doanh nghiệp

Theo đánh giá của Liên Hiệp Quốc, nhân loại đang đối mặt với 03 thách thức lớn: (1) Biến đổi khí hậu; (2) Cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và (3) Suy giảm đa dạng sinh học. Trong đó, nguy cơ về biến đổi khí hậu là cấp bách nhất. Đây cũng là những nội dung chính tại Diễn đàn doanh nghiệp phát triển bền vững (VCSF) 2022 với chủ đề "Chuyển đổi, Tăng tốc, Bứt phá: Doanh nghiệp vững bền – Quốc gia thịnh vượng”.

Theo đó, xây dựng được chiến lược phát triển bền vững (PTBV), thực hiện kinh tế tuần hoàn, dùng năng lượng xanh… nhằm tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên tự nhiên, tiết kiệm năng lượng, giảm thải carbon, góp phần bảo vệ môi trường là những điều mà các doanh nghiệp cần chuẩn bị kỹ lưỡng, đầu tư nghiêm túc.



Ông Nguyễn Quốc Khánh (ngoài cùng, bên trái) - Giám đốc Điều hành Nghiên cứu & Phát triển (R&D)
Vinamilk cùng các diễn giả trong phiên thảo luận VCSF 2022.

Với chiến lược dài hạn về PTBV, Vinamilk là một trong những điểm sáng về vận dụng tư duy kinh tế tuần hoàn trong mô hình sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. Tham luận tại diễn đàn, ông Nguyễn Quốc Khánh, Giám đốc Điều hành Nghiên cứu & Phát triển công ty Vinamilk cho biết, xuyên suốt quá trình phát triển, ngoài sứ mệnh mang đến những sản phẩm dinh dưỡng chất lượng tốt cho sức khỏe người dùng, Vinamilk đã sớm đầu tư trang thiết bị, áp dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, thực hành nông nghiệp tái sinh, sử dụng hệ thống năng lượng tái tạo nhằm mục đích sử dụng bền vững và góp phần bảo tồn các nguồn năng lượng, tài nguyên hữu hạn.

Lãnh đạo Vinamilk lấy ví dụ về hệ thống xử lý chất thải Biogas trong các trang trại bò sữa đã giúp biến chất thải thành "tài nguyên”, phục vụ lại cho hoạt động của trang trại. Cụ thể, lượng khí mê-tan thu được từ hệ thống Biogas sẽ dùng để sấy khô cỏ làm thức ăn dự trữ cho bò bê, thanh trùng sữa cho bê, đun nóng nước dùng cho hoạt động trang trại. Chất thải được xử lý để thành phân bón cho đồng cỏ, bắp… và phục vụ cải tạo đất. Từ đó, giúp tiết kiệm chi phí về điện, phân bón... từ hàng trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng mỗi năm cho mỗi trang trại.



Hệ thống sấy cỏ sử dụng khí mê-tan được xử lý qua Biogas giúp
trang trại Vinamilk tiết kiệm được nhiều chi phí điện năng khi vận hành.

Ở phạm vi lớn hơn, "vòng tuần hoàn” được hình thành giữa các trang trại và các hộ nông dân liên kết. Người dân canh tác bắp, cỏ cung cấp cho trang trại để làm thức ăn cho bò, ngược lại trang trại sẽ hỗ trợ nông dân về phân bón, công nghệ, cải tạo đất,… cùng người dân thực hành nông nghiệp tốt. Từ đó hình thành chuỗi liên kết chặt chẽ, cùng phát triển, bảo vệ hệ sinh thái, môi trường chung.



Các cánh đồng cỏ, bắp xanh tươi bạt ngàn được chăm sóc
với nguồn phân bón từ chất thải đàn bò đã qua xử lý Biogas

Cũng theo đại diện Vinamilk, PTBV cần nhiều nguồn lực từ nhân lực, vật lực, đến tài lực, và quan trọng là cần có sự đồng lòng và quyết tâm, từ lãnh đạo đến đội ngũ nhân viên, trong việc triển khai các hoạt động theo định hướng PTBV. Hành trình này chắc chắn sẽ có những khó khăn thách thức, và Vinamilk sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn và chung tay với cộng đồng, cùng nhau hành động mạnh mẽ hơn vì sự phát triển bền vững và thịnh vượng

Tại Lễ công bố các doanh nghiệp bền vững Việt Nam năm 2022 (chương trình CSI 100), Vinamilk đã được bình chọn là 1 trong 5 "Doanh nghiệp thực hiện tốt mô hình kinh tế tuần hoàn, ứng phó với biến đổi khí hậu”. Đặc biệt đây cũng là lần thứ 7 liên tiếp Vinamilk được biểu dương trong Top 10 Doanh nghiệp Bền vững thuộc lĩnh vực sản xuất - sau một quá trình đánh giá, chọn lọc khắt khe và đáp ứng 130 chỉ tiêu từ Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững CSI 2022.

Thiên nhiên - Sản phẩm - Con người: Trụ cột cho phát triển bền vững

Vinamilk hiện giữ vị trí thứ 36 trong top 40 công ty sữa lớn nhất thế giới về doanh thu (theo Plimsoll), và đứng thứ 6 trong bảng xếp hạng toàn cầu với giá trị thương hiệu đạt 2,8 tỷ USD (theo Brand Finance). 46 năm đồng hành cùng người Việt, Vinamilk luôn thể hiện sự cam kết đối với các giá trị bền vững cho ngành sữa, cộng đồng và cho đất nước với 3 trụ cột: Thiên nhiên - Sản phẩm - Con người và 6 khía cạnh trọng yếu: An toàn - Chất lượng sản phẩm; Đảm bảo điều kiện lao động; Phát triển kinh tế địa phương; Giảm phát thải khí nhà kính; Quản lý chất thải; Phúc lợi dành cho động vật.

Định hướng của Vinamilk khá rõ nét trong việc ứng dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp và sản xuất theo hướng bền vững, nhằm tạo ra những sản phẩm chất lượng vượt trội, tốt cho con người, thân thiện với tự nhiên.



Hệ thống năng lượng mặt trời đã được lắp đặt tại các trang trại của Vinamilk

Doanh nghiệp này cũng đang có những bước tiến trong lộ trình giảm và tiến tới trung hòa khí nhà kính. Tháng 11/2022, chung tay cùng Chính phủ hướng đến cam kết Net Zero vào năm 2050, Vinamilk đã ký kết Biên bản ghi nhớ trị giá 15 tỉ đồng với Báo Tài nguyên và Môi trường nhằm triển khai hoạt động trồng cây giai đoạn năm 2023-2027. Trước đó, từ 2012-2020, Vinamilk đã trồng hơn 1,1 triệu cây xanh tại 56 địa điểm thuộc 20 tỉnh, thành phố trên cả nước.



Đại diện Vinamilk và Báo Tài nguyên và Môi trường (TN&MT)
ký biên bản ghi nhớ hợp tác cho dự án trồng cây hướng đến Net Zero

Với nhiều nỗ lực đáng ghi nhận về phát triển bền vững, Vinamilk vừa được ghi nhận là Doanh nghiệp quản lý tốt khí nhà kính tại Cuộc bình chọn doanh nghiệp niêm yết 2022. Năm 2022, Vinamilk cũng là 1 trong số ít các doanh nghiệp Việt nhận được Giải thưởng CSR & ESG toàn cầu, và Doanh nghiệp thúc đẩy sự bền vững hàng đầu châu Á do ACES Awards công bố.

"Chương trình đánh giá, công bố các doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam” - CSI100 là giải thưởng thường niên được Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức từ năm 2016 đến nay.



Back to blog