Mai Kiều Liên – Tổng giám đốc Vinamilk và Hành trình xây dựng “Thành tựu trọn đời”
Share
Câu chuyện 40 năm Vinamilk và hành trình xây dựng "Thành tựu trọn đời” của mình được bà Mai Kiều Liên chia sẻ lần đầu tiên trên sân khấu Women’s Summit 2018 do Forbes Việt Nam tổ chức
Ngày 18/10/2018, trong hội nghị Women's Summit 2018 do Forbes Việt Nam tổ chức, bà Mai Kiều Liên - Tổng Giám đốc Vinamilk, Công ty Sữa số một của Việt Nam đã được trao tặng giải "Thành tựu trọn đời”. Sau khi nhận giải thưởng, Bà Mai Kiều Liên cũng có vài phút trải lòng về cuộc hành trình 40 năm kinh doanh sữa của mình.
Nữ giới có ưu thế riêng
Ông Nguyễn Bảo Hoàng, Chủ tịch Công ty Truyền Thông Tương tác, Forbes Việt Nam và bà Chu Thị Thu Hằng, Tổng biên tập báo Văn hóa trao giải thưởng "Thành tựu trọn đời" cho bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Vinamilk
Bắt đầu sự nghiệp từ lời khuyên của bố
Trò chuyện cùng Dominic Scriven, Chủ tịch quỹ đầu tư Dragon Capital, bà Mai Kiều Liên cho biết ban đầu đến với ngành sữa chỉ đơn thuần vì "lời khuyên của bố tôi”.
Trước năm 1975, thời điểm bà Liên còn học bên Nga, ngành sữa vẫn chưa được phổ biến lắm. Cả miền Bắc lúc bấy giờ chỉ có mỗi nông trường Mộc Châu với vài trăm con bò viện trợ từ Cuba, thậm chí hoàn toàn không có ngành công nghiệp chế biến sữa. Tuy nhiên, bà Liên lại là một trong 4 du học sinh đã được phân công học ngành sữa và hoàn toàn không có được quyền lựa chọn khác đi. Bà Liên chia sẻ: "Khi mà đến biên giới của Trung Quốc và Nga, lúc đó 176 anh chị em chúng tôi mới biết ai học ngành nào. Đọc lên thì 4 người học ngành sữa, tôi ngỡ ngàng trong đó có tôi".
Bà Mai Kiều Liên lần đầu trải lòng mình tại hội nghị phụ nữ Women's Summit 2018 do Forbes Việt Nam tổ chức
Tới thời điểm có thể lựa lại ngành, mặc dù rất muốn chuyển ngành khác, nhưng "nữ tướng” lại một lần nữa kiên định với ngành sữa sau lời khuyên chân thành của ba "Con nên đi học ngành sữa, vì sau chiến tranh việc lớn nhất là suy dinh dưỡng của trẻ em, chỉ có sữa mới giải quyết được vấn đề này.”
Tự hào thương hiệu sữa Việt nhưng luôn cảm thấy mình cần làm tốt hơn
Khi được hỏi về những khó khăn trong suốt 40 năm chèo chống Vinamilk từ thuở sơ khai cho đến khi công ty đạt giá trị vốn hóa 10 tỷ USD như hiện nay (tức tăng 100 lần kể từ năm 2003), bà Liên cho biết "Thực sự cho đến bây giờ thì tôi nghĩ khó khăn thì luôn luôn cùng đồng hành với chúng ta, kể cả người lãnh đạo hay người không lãnh đạo trong cuộc sống. Mỗi một giai đoạn sẽ có một khó khăn riêng, và người lãnh đạo phải luôn cố gắng tìm ra mắc xích để giải quyết những vấn đề mắc phải. Nếu hỏi về mệt mỏi, hay khó khăn nhất thì tôi nghĩ là chừng nào cũng có khó khăn để mà xử lý”.
Nói vấn đề cạnh tranh, Bà Liên cũng rất thẳng thắn gửi lời cảm ơn đến các đối thủ cạnh tranh. Theo người đứng đầu Vinamilk, trong một thị trường rất rộng lớn, đối thủ không chỉ là người cạnh tranh mà còn là người cùng đồng hành và cùng phát triển.
Khi được hỏi về Vinamilk, bà không khỏi tự hào "Không chỉ cá nhân tôi mà cả tập thể nhân viên Vinamilk đều luôn tự hào nhất một điều chúng ta đã có thương hiệu sữa Việt Nam và không thua kém gì các bạn trong khu vực. Thứ hai, Vinamilk cũng đã xây dựng được hệ thống chăn nuôi bò sữa mà ước mớ rất lâu cả mấy chục năm đã thành hiện thực. Bởi, nếu tự chủ được nguyên liệu, sẽ tự chủ được sản xuất, từ đó tự chủ trong giá thành và tất cả mọi cái. Một điều tự hào thứ ba mà Công ty vẫn thường nói với nhau là sản phẩm sữa Vinamilk đã có măt tại 40 nước trên thế giới, đây cũng là ước mơ rất lâu mà chúng ta có được”.
Thành công là vậy, nhưng bà Liên chưa bao giờ tự mãn mà luôn đau đáu một điều chưa hài lòng. "Nữ tướng” trong giới kinh doanh cho biết, bà vẫn luôn cảm thấy mình và Vinamilk vẫn có thể làm tốt hơn nữa.
Luôn cảm thấy mình vẫn chưa làm tốt hơn
Theo bà Liên, lý do 25% CEO tại Việt Nam là phụ nữ, một tỷ lệ khá cao so với các nước khác là do sự phân biệt giới tính ở Việt Nam không quá gay gắt. Hơn nữa, nước ta cũng có thời gian nhiều năm chiến tranh và phụ nữ chính là người phải làm tất cả công việc khi tất cả nam giới ra trận. Vì phải "tự thân vận động”, người phụ nữ Việt Nam có tính tự lập, tự chủ cao và tự quyết định: "Theo tôi thì nữ chỉ thua nam ở sức lực thôi, sức lực cơ bản. Vì ông trời phú cho nam một cơ thể khỏe mạnh hơn. Còn tất cả mọi cái như kiến thức, đạo đức, đối nhân xử thế, quan hệ xã hội… nữ và nam ngang bằng nhau”.
Ngoài những yếu tố trên, bà Liên cũng đánh giá cao khả năng lắng nghe và thấu hiểu. Dù có lãnh đạo, quyết đoán thế nào, nhưng việc luôn luôn lắng nghe người đối diện là bản năng của phụ nữ. Nam giới cũng sẽ có những bí quyết lãnh đạo của riêng mình. Tuy nhiên, theo quan điểm bà Liên, điều cơ bản là lãnh đạo phải chân thành. Ngoài ra, lãnh đạo cũng là người phải làm gương. "Mình phải chứng minh được mình dẫn dắt định hướng để công ty đi lên, cuộc sống nhân viên khá lên, và mọi người cảm thấy rằng 5 giờ chiều thích về nhà và 8 giờ sáng thích lên công ty. Đó là một công ty thành công” - Bà Liên khẳng định.
Đồng thời, bà cũng nhấn mạnh rằng "Mình phải chuẩn bị, phải có kiến thức, ai cũng có mong muốn, mục tiêu cao hơn, lớn hơn. Vì khi mình có kiến thức rồi, mình mới ra quyết định kinh nghiệm bản thân”
Nói về gia đình riêng của mình, bà Liên chia sẻ "Tôi không muốn có người giúp việc”. Thời gian dành cho công việc là 8 giờ, thời gian ở nhà 8 giờ và thời gian nghỉ ngơi 8 giờ. Đối với bà, thời gian ở nhà là lúc vợ chồng, gia đình thống nhất với nhau, cùng con cái làm việc nhà.
Nói về gia đình riêng của mình, bà Liên chia sẻ "Tôi không muốn có người giúp việc”. Thời gian dành cho công việc là 8 giờ, thời gian ở nhà 8 giờ và thời gian nghỉ ngơi 8 giờ. Đối với bà, thời gian ở nhà là lúc vợ chồng, gia đình thống nhất với nhau, cùng con cái làm việc nhà.
"Không có người giúp việc với riêng hoàn cảnh gia đình tôi là do tôi không muốn có. Vì tôi không muốn con cái ỷ lại, không muốn con cái có ý định sai khiến, làm phiền người khác. Vợ chồng tôi sẽ cùng con cái tìm cách phân chia, giải quyết", bà Liên chia sẻ.