Lãnh đạo TP HCM lên Đà Lạt tham khảo mô hình nuôi bò sữa

Lãnh đạo TP HCM lên Đà Lạt tham khảo mô hình nuôi bò sữa

Tham quan trang trại bò sữa organic tại Lâm Đồng, Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng chỉ đạo các sở ngành thí điểm triển khai theo mô hình này ở huyện Củ Chi.



Bà Trương Thị Mai - Trưởng ban Dân vận Trung ương (ngoài cùng, bên trái)
và đoàn công tác của lãnh đạo TP HCM tham quan trang trại bò sữa organic của Vinamilk ở Lâm Đồng. Ảnh: Thiên Ngôn.

Ngày 13/3, Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng cùng đoàn công tác của thành phố đến tham quan trang trại bò sữa Organic Đà Lạt (Công ty cổ phần sữa Vinamilk) tại Đà Lạt, Lâm Đồng. Chuyến đi nhằm tham khảo kinh nghiệm để áp dụng cho ngành chăn nuôi bò sữa ở huyện Củ Chi đang có năng suất rất thấp.

Tham dự buổi lễ có sự hiện diện của bà Trương Thị Mai - Trưởng Ban Dân vận Trung ương; ông Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ Môi trường Quốc hội; ông Nguyễn Xuân Tiến - Bí thư tỉnh ủy tỉnh Lâm Đồng, lãnh đạo các tỉnh Bắc Ninh, Hà Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, Bến Tre...

Theo ông Đinh La Thăng, điều kiện khí hậu của Lâm Đồng và TP HCM khác biệt nên không thể phát triển ngành bò sữa ở Củ Chi theo kiểu trang trại quy mô lớn như Organic Đà Lạt.

"Mình làm trạm thu mua, các mô hình tự nuôi trước đã. Thành phố sẽ nghiên cứu thí điểm một trang trại mẫu, quy mô khoảng 100 con, để bà con nông dân học tập, còn chủ yếu vẫn theo mô hình hộ gia đình", ông Thăng nói.

Trước đó, đi khảo sát thực tế và tiếp xúc cử tri, ông Thăng khá trăn trở về ngành chăn nuôi bò sữa của bà con nông dân huyện Củ Chi vì thị trường bấp bênh, đầu ra không ổn định. Ông yêu cầu lãnh đạo huyện phối hợp chặt chẽ với các công ty sữa để tìm đầu ra cho đàn bò sữa hơn 50.000 con.


Làm việc với Công ty Cổ phần sữa Vinamilk tại Bình Dương hồi đầu tháng 2, ông Đinh La Thăng khẳng định sẽ "thay máu" toàn bộ đàn bò sữa của TP HCM theo con giống, công nghệ của Vinamilk, nhằm đưa năng suất 17-18 lít mỗi con một ngày lên trên 30 lít.



Bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Công ty Vinamilk (ngoài cùng, bên phải)
giới thiệu với đoàn công tác về công nghệ nuôi bò sữa. Ảnh: Quỳnh Trần.

Ông Trịnh Quốc Dũng, Giám đốc điều hành vùng nguyên liệu (Công ty Vinamilk) cho biết, khó khăn nhất trong việc nuôi bò sữa ở Việt Nam là nhiệt độ quá cao. Công ty đã khắc phục vấn đề này bằng hệ thống làm mát, phun nước và quạt tự động cảm biến.


"Sắp tới chúng tôi phối hợp với Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn để xây dựng trung tâm giống bò sữa ở TP HCM. Nếu TP HCM có quỹ đất dành cho nông nghiệp công nghệ cao, chúng tôi đề nghị cấp khoảng 200-300 ha để đầu tư một trung tâm với khoảng 4.000 con bò giống cung cấp cho bà con", ông Dũng nói.



Bò nuôi tại trang trại organic được tuyển chọn từ nguồn giống chất lượng. Ảnh: Quỳnh Trần.

Trang trại bò sữa Organic Đà Lạt được đầu tư 200 tỷ đồng, quy mô ban đầu hơn 500 con. Giống bò được tuyển chọn nghiêm ngặt nên có sẵn hệ miễn dịch mạnh, nguồn thức ăn cho chúng là 100% hữu cơ.

Dự án gồm các hạng mục: đàn bò, hệ thống cơ sở hạ tầng, chuồng trại, trang thiết bị kỹ thuật… được Tổ chức toàn cầu Control Union (Hà Lan) chứng nhận là trang trại bò sữa Organic tiêu chuẩn châu u.

Ông Richard De Boer, đại diện tổ chức chứng nhận độc lập Control Union Hà Lan chia sẻ, 3 năm trước, ông tham gia lễ khánh thành trang trại đạt tiêu chuẩn Global GAP của Vinamilk tại Nghệ An. "Hôm nay, tôi càng vinh dự hơn khi đại diện tổ chức Control Union chứng nhận trang trại hữu cơ Vinamilk đạt tiêu chuẩn châu u đầu tiên tại Việt Nam. Điều này một lần nữa khẳng định vị thế của doanh nghiệp Việt trong việc nâng cấp chất lượng sữa ngang tầm quốc tế", ông chia sẻ.

Trang trại Vinamilk Organic Đà Lạt là bước đi chiến lược để Vinamilk có thể đẩy mạnh phát triển dòng sản phẩm hữu cơ cao cấp tại Việt Nam và xuất khẩu ra các nước trên thế giới.



Trích nguồn Vnexpress.net

Back to blog